(VienDongDaily.Com - 29/04/2015)

Bài THANH PHONG

ORANGE - Tiểu bang California đang bị hạn hán trầm trọng, chính quyền tiểu bang đang có những biện pháp hạn chế việc sử dụng nước khiến người dân lo ngại. Không những lo thiếu nước, người dân còn lo xa, giả sử khủng bố đổ hóa chất độc hại xuống hồ chứa, lúc đó cư dân lấy nước ở đâu để dùng? Tại sao không cho dân đào giếng như ở Việt Nam? Nhất là tình trạng hạn hán kéo dài có làm cho người dân hoảng sợ, bỏ Cali đi tiểu bang khác không?

Vuong Xuan Diem


Kỹ sư Vương Xuân Điềm đang cho xem tạp chí Water Digest nói về sáng kiến của ông (Thanh Phong/Viễn Đông)

Để trả lời những câu hỏi trên, chúng tôi đã tìm đến ông Vương Xuân Điềm, một kỹ sư Việt Nam đã sáng chế ra phương pháp lọc nước biển thành nước ngọt với giá thành thấp. Ông là người có nhiều kinh nghiệm chuyên môn trong lãnh vực “nước” và những lời giải đáp của ông có thể làm thỏa mãn sự mong đợi của chúng ta.

Kỹ sư Vương Xuân Điềm cho biết, vừa qua chính phủ liên bang mới tổ chức tại tiểu bang New Mexico một cuộc thi xem ai có thể chế nước lợ thành nước ngọt với điều kiện không được dùng điện mà chỉ được dùng năng lượng mặt trời hay điện gió mà thôi. Toàn quốc có khoảng hơn 400 nhóm hoặc cá nhân dự thi, trong đó có nhóm của ông. Sau khi chọn lọc và loại ra, chỉ còn 67 người được tham dự, và trong 67 người tham dự, họ lại chọn ra 6 nhóm được coi là có phương pháp hay nhất để thực hành đề thi (coi như vào chung kết), và nhóm ông có trong số 6 nhóm này.

Để 6 nhóm thực hiện đề án của mình, họ chọn một vùng sa mạc tại New Mexico, xưa kia là nơi thử bom nguyên tử đầu tiên trước thế chiến thứ 2. Ở đó họ dựng lên một nông trại, cho mỗi người mấy cái thùng và ra điều kiện mỗi người phải lấy 8.5 mét khối nước lợ để chế biến thành nước ngọt cung cấp cho một gia đình 5 người khai thác 1 hecta đất; trong đó 8 mét khối dùng cho trồng trọt có thể có một chút độ mặn, nửa mét khối còn lại dùng cho gia đình phải là nước ngọt hoàn toàn.

Họ chia cho mỗi người một miếng đất và mỗi người chỉ được dùng điện mặt trời hay điện gió bơm nước lợ lên các thùng rồi chế biến sao cho thành nước ngọt; mỗi người làm 2 lần, mỗi lần 24 tiếng (từ 7 giờ sáng hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau). Sau đó họ sẽ đo lượng nước và xem xét nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố phí tổn cao hay thấp. Nếu đạt đủ tiêu chuẩn đề ra, sẽ được trao giải. Có ba giải thưởng và người hay nhóm trúng giải sẽ được cấp bằng sáng chế và hỗ trợ giới thiệu phương pháp đó trên toàn thế giới. Kỹ sư Điềm cho biết, vào cuối tháng Tư 2015 mới công bố kết quả.

Dưới đây là phần phỏng vấn kỹ sư Vương Xuân Điềm về vấn đề nước của tiểu bang California.

Viễn Đông: Tại sao có nhiều vùng bị hạn hán, nhiều vùng không?

KS. Điềm: Hạn hán là do sự thay đổi khí hậu của địa cầu. Từ trước đến nay bản chất của vùng West US (Cali, Arizona, Nevada v.v.) là sa mạc nên luôn luôn có hạn hán. Vùng này có khi cả trăm năm khô ráo. Để biết được điều này, người ta nghiên cứu các loại cây cổ thụ sống hàng ngàn năm như cây redwood chẳng hạn là biết liền, nó có từng chu kỳ thay đổi. Trong thời gian từ 1900 đến năm 2000 có khoảng thời gian dài từ 10 đến 20 năm rất khô, nên khoảng thập niên từ năm 1928 đến 1938, chính phủ phải nghĩ ra cách lấy nước từ nơi khác tới để làm cho Cali trù phú, thu hút dân chúng đến lập nghiệp. Họ xây cái đập ở sông Colorado để cung cấp nước cho 7 tiểu bang Utah, Wyoming, Arizona, California, New Mexico, Nevada, Colorado.

Viễn Đông: So với dân số và diện tích, tiểu bang California rộng hơn, đông dân hơn vậy có được cung cấp lượng nước nhiều hơn các nơi khác không?

KS. Điềm: Lượng nước tiểu bang California được cung cấp từ Hoover Dam và Lake Powell, hồ này chứa vào khoảng 60 tỷ mét khối nước, và Cali được cung cấp hơn 5 tỷ mét khối/năm nên từ năm 1939 đến nay, Cali tương đối có đủ nước để trồng trọt và sinh hoạt và phát triển tốt. Khi hạn hán thì mực nước ở Lake Powell xuống một chút nhưng đến mùa mưa nước lại lên. Sau đó, vào thập niên 1960, liên bang lại làm thêm một hồ khác tại miền Bắc Cali là Shasta Dam. Họ lấy nước từ miền Bắc Cali để cung cấp cho các nông trại vùng Fresno, đồng thời có nước trong sạch để dùng, và từ vùng khô cằn trở thành vùng cây cối xanh tươi ở nhiều nơi như Los Angeles, Orange County... Vấn đề chính là 80 đến 85% nước trong vùng đó là dành cho nông trại, chỉ có 15% đến 20% nước dành cho dân chúng.

Viễn Đông: Liệu chính quyền có biện pháp nào để giữ cho lượng nước không bị cắt giảm trong thời gian hạn hán?

KS. Điềm: Như tôi vừa trình bày, các nông trại được cung cấp rất nhiều nước, nên khi hạn hán xảy ra, chính quyền đề nghị mua lại số nước của các nông trại để cung cấp cho dân. Họ đồng ý, vì tiền bán số nước đó tính ra nhiều hơn tiền thu hoạch rau, trái.

Viễn Đông: Như vậy các nông trại không còn nước để tưới thì hoa màu bị ảnh hưởng. Họ sẽ giải quyết việc này như thế nào thưa ông?

KS Điềm: Các nông trại họ liên kết với nhau, năm nay một nông trại này bán thì năm sau nông trại khác bán nước nên không ảnh hưởng bao nhiêu về hoa màu, và như vậy dù hạn hán mình vẫn có nước.

Viễn Đông: Hiện nay tiêu chuẩn nước dùng cho một gia đình được ấn định ở mức độ nào?

KS. Điềm: Trước đây mỗi gia đình ở Cali được quyền xài 180 gallon nước một ngày, tiêu chuẩn này cao hơn nhiều nước trên thế giới vì họ chỉ có 100 gallon/ngày. Nên các công ty nước thấy mình dùng phí phạm quá mới cắt xuống còn 140, 120 rồi bây giờ có nơi còn 105 gallon/ngày. Đó là lý do tại sao dân số Cali tăng rất nhiều mà số lượng nước trước nay dùng vẫn không thay đổi .

Viễn Đông: Hiện nay chính quyền tiểu bang đang đề ra biện pháp phạt những người dùng quá lượng nước ấn định, ông nghĩ sao?

KS. Điềm: Vì tình trạng hạn hán, thiếu nước, dù đã mua lại nước của nông trại rồi cũng vẫn thiếu, nên chính quyền phải nghĩ ra biện pháp giảm phung phí nước bằng hình thức phạt. Thế nên ai chấp nhận đóng tiền phạt thì cứ dùng nhiều, ai sợ phạt thì phải hạn chế thôi.

Viễn Đông: Lần trước ông đã có dịp nói chuyện với chúng tôi về biện pháp lấy nước biển chế thành nước ngọt. Xin cho biết, trong tình hình hạn hán hiện nay còn kéo dài, chính quyền có nghĩ sẽ áp dụng phương pháp lấy nước ngọt từ nước biển không, thưa ông?

KS. Điềm: Có một số phương pháp lấy nước biển chế thành nước ngọt. Trước đây người ta cứ đun sôi nước biển cho nước bốc hơi thành nước ngọt. Sau này người ta chế ra phương pháp gọi là MSF (Multi Stages Flash Distillation) để lấy nước ngọt từ nước mặn. Phương pháp này đang được dùng nhiều tại các nước Trung Đông, vì họ có dầu nhiều và họ có nhiều nhiệt lượng từ việc hóa dầu, lấy nhiệt lượng đó để chưng cất nước biển ra nước ngọt. Đến cuối thập niên 1960, Hoa Kỳ phát minh ra một cái gọi là Reverse Osmosis, dịch ra là Màng Bán Thẩm, tức là khi sử dụng nước với áp suất cao trên màng đó, nước ngọt sẽ thấm qua màng này để lại muối ở phần có áp suất cao, do đó có thể lấy nước ngọt từ nước biển. Mới đầu nó còn đắt nên không thông dụng, đến thập niên 80 họ chế ra một phương pháp khác cũng là màng bán thẩm nhưng bằng những chất tương đối dễ làm và giá thành rẻ, lượng nước lại nhiều, người ta gọi là Thin film Composites (TFC), nó làm bằng poly-amide là một phó sản phẩm từ dầu hỏa và từ ngày đó giá thành rẻ hơn và số lượng các nhà máy sản xuất nước biển thành nước ngọt gia tăng rất nhiều, 80, 90% họ dùng loại đó. Ở Santa Barbara vào thập niên 80 có làm một nhà máy sản xuất bốn năm triệu gallon/ngày; nhưng sau đó lại có nhiều nước nên họ không dùng nữa vì nước sản xuất đó đắt gấp 3 lần nước họ lấy từ giếng lên và cái nhà máy đó họ không dùng nên bán đi. Bây giờ họ lại xây nhà máy mới cũng tại chỗ cũ, vì kỹ thuật càng ngày càng tân tiến, họ chỉ cần 11, 12 KWH cho một ngàn gallon thay vì 24 KWH như trước kia.

Mấy năm trước tôi có phát minh một phương pháp lấy nước ngọt từ nước biển chỉ cần sử dụng 4-5 kw cho một ngàn gallon. Nên rất rẻ. So với bây giờ lấy nước từ Colorado phải mất 6.1kw; lấy nước từ trên miền Bắc California mang xuống phải cần từ 8 đến 9kw. Như vậy California nên lấy nước ngọt từ nước biển vì nước từ biển tốt hơn, thứ hai là đỡ tốn điện hơn, thứ ba là gần hơn và lại giúp cho các tiểu bang khác được nhiều nước vì mình đã chận bớt nước của họ. Nhưng vì từ trước đến nay các nhà máy họ xây sẵn rồi và họ chưa có ngân sách để làm các nhà máy chế nước biển thành nước ngọt. Tôi nghĩ tương lai không lâu, các thành phố gần biển họ chỉ cần làm những nhà máy nho nhỏ cũng đủ cung cấp nước ngọt cho dân cư, và như thế những city ở xa biển lại có thêm nước để dùng do các city gần biển không cần dùng tới nữa, thành ra lợi cả hai bề. Ngoài ra, việc xây những nhà máy chế biến từ nước biển cũng gặp trở ngại do các nhà bảo vệ môi sinh, họ cho rằng nếu lấy nước biển thì sẽ tiêu hủy trứng các loài cá nên họ còn nhập nhằng do đó California chưa làm được là vậy. Riêng tại San Diego có một nhà máy đã làm từ 1990 nhưng phải qua rất nhiều tiến trình và có thể cuối năm nay mới sử dụng được

Viễn Đông: Như ông vừa trình bày thì dù có hạn hán người dân cũng không có điều gì phải lo sợ phải không, thưa ông?

KS. Điềm: Đúng vậy, như tôi nói, các nông trại sử dụng đến 85% nước, nay họ có bớt đi chút đỉnh dành cho mình thì cũng không ảnh hưởng bao nhiêu đối với họ, vì họ có thể bỏ đi những loại cây không cần thiết . Tuy nhiên, khi một nông trại nhượng lại nước cho mình thì sẽ nẩy sinh vấn đề một số người thất nghiệp và có thể hoa màu tăng giá, nên chính phủ phải đặt ra tiền phạt với những người xài nước quá nhiều là để lấp vào chỗ khiếm khuyết đó.

Viễn Đông: Tại sao người dân California không thể đào giếng lấy nước dùng?

KS. Điềm: Không được. Tất cả mạch nước ngầm đều có chủ rồi. Theo luật, tất cả các giếng nước tại California đều phải được kiểm soát và cho phép. Ngày xưa khi còn làm việc ở Anaheim, tôi được biết 70% nước dân chúng dùng là nước giếng, chỉ 30% nước là nước mua của công ty nước. Nhưng bây giờ các giếng chỉ cung cấp được chừng 60% thôi vì mực nước xuống thấp hơn.

Viễn Đông: Giả sử bọn khủng bố dùng cách nào đó bỏ hóa chất độc hại vào các hồ chứa nước, lúc đó dân chúng lấy nước đâu để dùng?

KS. Điềm: Điều này mọi người an tâm. Tất cả mọi thứ, kể cả hóa chất tan vào nước nhưng khi đi qua màng bán thẩm đều bị giữ lại hết nên chất độc không làm nguy hiểm được. Hơn nữa, với một hồ chứa hàng 60 ngàn tỷ mét khối nước như vậy thì bao nhiêu hóa chất mới tan đủ để gây nguy hiểm cho con người, mà hóa chất với một số lượng lớn đâu phải dễ kiếm, dễ mua, nên bọn khủng bố chắc cũng biết điều này nên họ chẳng dại gì đem một vài ký hóa chất bỏ xuống hồ, vì chỉ như muối bỏ biển, ăn nhằm gì.

Tóm lại, dù cho chúng ta đang hạn hán nhưng mọi người cũng không có gì phải quá lo lắng, mỗi người tự hạn chế một chút, đừng phí phạm nước quá thì chẳng có gì phải lo lắng hết.

Viễn Đông: Xin cám ơn kỹ sư Điềm đã dành nhiều thì giờ trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Hy vọng quý độc giả chúng tôi sau khi nghe ông trình bày sẽ an tâm và vui sống trong những ngày tháng hạn hán kéo dài.

KS. Điềm: Tôi cũng hy vọng như vậy. Cám ơn quý báo.

http://www.viendongdaily.com/phone/phong-van-ky-su-vuong-xuan-diem-ve-van-de-nuoc-YrD0LFrC.html

https://www.ngo-quyen.org/a4609/ky-su-vuong-xuan-diem-nguoi-sang-che-may-loc-nuoc-bien

 

djahostel.com.ua
t-marka.ua/
www.adulttorrent.org/

#202